Tin tức

Chuyến tham quan học tập tại Đại học Kỹ thuật Sydney

Đội tuyển đã mang về vinh quang cho Đại học Lạc Hồng nói riêng và sinh viên cả nước nói chung. Có thể nói chỉ trong hai năm 2010 và 2011 đội tuyển Robocon Lạc Hồng đã gặt hái được hầu hết các giải thưởng của cuộc thi Robocon Quốc gia và Quốc tế (Ở cuộc thi Robocon Quốc tế, đội tuyển có 1 giải nhì, 1 giải ba, 1 giải Toyota; Ở giải Robocon Quốc gia đội tuyển có 2 lần vô địch, 3 giải ba và hàng loạt các giải khác như: giải Ý tưởng, giải Công nghệ, giải nhiều chiến thắng tuyệt đối nhất, giải Robot tự động tốt nhất, giải Robot bằng tay tốt nhất …)

Trong những giải thưởng đội tuyển Robocon đã đạt được có cả một chuyến đi học tập tại trường Đại học hàng đầu Australia. Tối ngày 18/9/2011 đội tuyển Robocon đã khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Australia, sau gần 9 giờ bay, đội tuyển có mặt tại sân bay Sydney.

Buổi đầu tiên đoàn làm việc với Giáo sư Hùng Nguyễn - Trưởng khoa Kỹ thuật - Thông tin của Trường Đại học Kỹ Thuật Sydney (University of Technology Sydney - UTS). Sau đó tham dự buổi cơm trưa thân mật và chương trình tìm hiểu về LAB nghiên cứu các robot chăm sóc sức khỏe. Khi bước chân vào UTS mọi người đã choáng ngợp trước ngôi trường to đẹp và tiện nghi, còn khi bước vào LAB, là sự choáng ngợp trước các trang bị hiện đại. Trước hết chúng tôi được xem một đoạn phim về các sản phẩm mà LAB đang nghiên cứu như robot tim nhân tạo, robot nhận biết bệnh tiểu đường, robot xe lăn…Chúng tôi thật sự ấn tượng vì những thiết bị công nghệ mà chiếc xe lăn robot được tích hợp (những camera trị giá từ 5000 USD đến 20.000 USD, những máy tính chuyên dụng của hãng Apple nhỏ gọn, là mơ ước rất lớn của những người làm robot có liên quan đến xử lý ảnh tại Việt Nam).

Từ việc quan sát thấy người khuyết tật rất khó khăn khi điều khiển xe lăn, Giáo sư Hùng Nguyễn và nhóm cộng sự đã nghiên cứu chế tạo ra chiếc xe lăn thông minh có hệ thống camera để quan sát và tránh vật cản. Một chiếc xe lăn an toàn cũng như tiện lợi cho người khuyết tật, chiếc xe được điều khiển hoàn toàn tự động, chỉ khi thật cần thiết người khuyết tật mới tham gia vào việc điều khiển xe. Việc điều khiển này đơn giản đến mức người khuyết tật chỉ cần cử động đầu để chọn hướng di chuyển hoặc thay đổi tốc độ cho xe (xe có hệ thống nhận biết vị trí của đầu) Với những người khuyết tật không cử động được thì có thể điều khiển qua thiết bị nhận biết sóng não.

Sau một buổi chiều làm việc thật mệt nhưng thật thú vị, trên đường về lại khách sạn chúng tôi cảm thấy thật ấm áp khi nghĩ đến những người thầy Việt Nam: Người thầy của chúng tôi tại Việt Nam Tiến sĩ Trần Hành, người đã ủng hộ toàn diện cho dự án xe lăn của trường, và một người thầy gốc Việt tại đất nước Úc, tuy cách nhau thật xa về mặt địa lý nhưng đều hướng đến những ý tưởng thật nhân bản, làm giảm bớt khó nhọc cho người khuyết tật. Những con người thật đáng kính phục.

Đại học Kỹ thuật Sydney

Thư viện và không gian học tập

Giáo sư Hùng Nguyễn - người mặc áo trắng - chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn

Hình ảnh một số loại robot và xe lăn do Lab nghiên cứu các loại robot chăm sóc sức khỏe thực hiện

(Một số thông tin và cảm nhận của đoàn do Ths Lâm Thành Hiển – Phó Hiệu Trưởng nhà trường – Trưởng đoàn gửi về từ Sydney)

Huyền

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        9,886,825       18/750