Hoạt động

Sản phẩm nghiên cứu khoa học chỉ “sống” khi đi vào cuộc sống

Trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng 4.0, việc nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm nhằm tối ưu hoá quá trình sản xuất trở thành yêu cầu bức thiết. Nhìn thấy điều này, nhiều năm qua, Trường Đại học Lạc Hồng không ngừng nỗ lực tạo ra các sản phẩm khoa học kỹ thuật và chuyển giao cho các doanh nghiệp ở Đồng Nai và khu vực Đông Nam Bộ. Trường Đại học Lạc Hồng là đơn vị đi đầu trong nghiên cứu khoa học tại Đồng Nai.

Sản phẩm mang tính ứng dụng cao

Trong phong trào toàn dân tiến công vào mặt trận KHCN do tỉnh Đồng Nai phát động, Trường Đại học Lạc Hồng là đơn vị đi đầu trong nhiều năm liền. Sản phẩm do LHU sáng tạo đều mang tính ứng dụng cao, được chuyển giao cho các doanh nghiệp ngay sau khi ra đời.

 Sản phẩm NCKH của giảng viên và sinh viên ĐH Lạc Hồng đều có tính ứng dụng cao trong đời sống, trong sản xuất của doanh nghiệp

Năm 2020, nhóm tác giả Phạm Văn Toản, Ngô Thanh Bình, Nguyễn Vũ Quỳnh, Trần Thanh Vang, Lê Hoàng Thành, Gia Hữu Vũ, Lê Ngọc Thiện, Nguyễn Trung Đức, Nguyễn Văn Trung của LHU đã trình làng sản phẩm“Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo máy sắp xếp và nhỏ keo tự động”. Nghiên cứu này đã giành giải nhất sau khi vượt qua 542 sản phẩm dự thi khác của các đơn vị trong toàn Tỉnh.

Nói về ưu thế của Máy sắp xếp và nhỏ keo tự động, TS Phạm Văn Toản - Trưởng khoa Cơ điện – Điện tử (LHU) cho hay: “Sản phẩm này có thiết kế đơn giản, dễ sử dụng, tính an toàn và ổn định cao, làm việc không biết mệt mỏi, sản phẩm làm ra có độ tin cậy cao do áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến vào sản phẩm máy, có kế hoạch dự phòng cao khi nhận được đơn đặt hàng quy mô lớn”.

Dưới góc độ kinh tế, Máy sắp xếp và nhỏ keo tự động góp phần giảm số lượng nhân công trong nhà máy, thời gian tạo ra sản phẩm cũng giảm xuống hơn một nửa, trung bình từ 2,8s/sp còn 1,2s/sp.

Dưới góc độ kỹ thuật, sản phẩm góp phần cải thiện điều kiện làm việc, giảm cường độ lao động chân tay, tạo ra sản phẩm chính xác, ít hư hỏng. Xa hơn, Máy sắp xếp và nhỏ keo tự động còn góp phần hiện đại hoá công nghệ sản xuất với chi phí thấp.

Sản phẩm NCKH chỉ “sống” khi được đi vào thực tiễn

PGS, TS Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng (cũng là thành viên nhóm tác giả) cho biết, trường Đại học Lạc Hồng là đại học ứng dụng, vì vậy, mọi sản phẩm khoa học do LHU tạo ra đều phải đáp ứng một tiêu chuẩn “cứng, đó là phải có tính ứng dụng cao, được các doanh nghiệp tin tưởng và nhận chuyển giao.

“Chúng tôi quan niệm, mọi nghiên cứu khoa học chỉ có ý nghĩa khi nó được ứng dụng, sản phẩm nghiên cứu khoa học chỉ “sống” khi được đi vào đời sống, phục vụ và nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội” – Vị Phó Hiệu trưởng LHU nói.

Trường ĐH Lạc Hồng nhận giải tại Lễ Tổng kết Hội thi sáng tạo KHKT Đồng Nai năm 2020

Trong điều kiện dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, hoạt động NCKH tại LHU vẫn được triển khai mạnh mẽ. Số lượng giải pháp đạt giải của LHU chiếm đến 50% các giải pháp được lựa chọn từ khối trường ĐH,CĐ để trao giải trong Ngày hội KHCN tỉnh Đồng Nai năm 2020.

Mỗi năm, Trường Đại học Lạc Hồng còn công bố hàng trăm bài báo khoa học trong và ngoài nước, tham gia nhiều dự án NCKH trong nước và quốc tế, như dự án EMVITET của Phần Lan, dự án BUILD-IT của USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ),… Ngoài ra, LHU cũng là trường ĐH được biết đến khi liên tục giữ vị trí “ngôi vương” trong các sân chơi: Robocon Châu Á – Thái Bình Dương, Xe tiết kiệm nhiên liệu,… Trường Đại học Lạc Hồng còn là một trong 30 trường ĐH của Việt Nam có công bố quốc tế tốt nhất, cũng là ĐH duy nhất của Việt Nam lọt Top 50 trường đại học sáng tạo nhất hướng đến Giá trị Đạo đức trong Bảng xếp hạng WURI.

Ra Khơi

Nghiên cứu khoa học; LHU; Sáng tạo kỹ thuật; Đại học Lạc Hồng; Chương trình 6; Đồng Nai


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        12,378,429       1/769