Thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ trong Cách mạng Công nghiệp 4.0- cuộc cách mạng mà trong đó các công nghệ như điện toán đám mây (Cloud computing), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), Internet vạn vật (IoTs), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI)... đóng vai trò chủ đạo. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những thay đổi căn bản và toàn diện trên mọi khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội. Đây không chỉ là cơ hội để đẩy nhanh quá trình điện tử hóa, tự động hóa, nâng cao năng suất lao động, mà còn đặt ra những thách thức không nhỏ cho cả doanh nghiệp, ngân hàng thương mại và nhà quản lý. Việc đổi mới để bắt kịp cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 là yêu cầu tất yếu mang tính toàn cầu và cũng là mục tiêu mà chính phủ Việt Nam dành sự ưu tiên cao nhất trong những năm gần đây.
Ngày 05-06/12/2019, Học viện Ngân hàng tổ chức Hội thảo quốc tế thường niên về Ngân hàng và Tài chính lần thứ nhất (The First International Conference on Banking and Finance – ICBF 2019) với chủ đề "Hệ thống Ngân hàng và Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư” (Banking Systems and the Fourth Industrial Revolution) với sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên và nghiên cứu viên trong lĩnh vực ngân hàng.
Đồng hành cùng Hội thảo năm nay còn có: Quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED), Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm, tham gia viết bài của các nhà khoa học đến từ trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, cơ quan ban ngành, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp với tổng số 106 bài viết gửi về Ban Tổ chức. Trải qua hai vòng phản biện kín, 47 bài viết với chất lượng tốt nhất đã được lựa chọn đăng toàn văn kỷ yếu. Trong số đó, nhiều bài viết cho thấy được năng lực nghiên cứu rất tốt của các nhà khoa học với việc ứng dụng linh hoạt các phương pháp nghiên cứu hiện đại, bố cục nội dung logic, lập luận chặt chẽ và có luận cứ vững vàng. Nội dung bài viết duyệt đăng tập trung vào các chủ đề như sau: (1) Những vấn đề lý luận về phát triển hoạt động ngành ngân hàng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0; (2) Thực tiễn và xu thế đổi mới hoạt động ngành ngân hàng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0; (3) Nhận diện các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển hoạt động ngành ngân hàng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0; (4) Giải pháp và kiến nghị nhằm đổi mới hoạt động ngành ngân hàng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Ts. Nguyễn Quốc Huy (Phó Trưởng khoa Tài chính- Kế toán, LHU) đã tham dự Hội thảo với bài báo cáo “Mô hình yếu tố tác động đến giá trị thương hiệu của các ngân hàng thương mại Việt Nam”.
Một số hình ảnh
Hội thảo, tài chính, ngân hàng