Tin tức Bộ phận QHDN & Hỗ trợ SV

Hội thảo “Giải pháp phát triển nghề nghiệp hướng đến ASEAN 2015”

Hội thảo do ĐH Quốc gia TP HCM tổ chức ngày 16/11/2013, diễn ra trong không khí cởi mở, xây dựng về công tác đào tạo nguồn nhân lực hội nhập trong thời gian tới - giải pháp phát triển nghề nghiệp hướng đến ASEAN 2015. Hầu hết các đại biểu tại hội thảo tỏ ra lo lắng rằng trong thời gian tới (Hội nhập ASEAN): Sinh viên Việt Nam nói chung có cạnh tranh với các sinh viên (SV) nước ngoài về việc làm hay không ? Đây là cuộc cạnh tranh về cơ hội nghề nghiệp trong khu vực, khi mà SV thuộc khối ASEAN đến Viêt Nam để tìm việc và liệu SV Việt Nam có đủ sức, đủ kiến thức, đủ kỹ năng để khẳng định chính mình hay không, yếu tố nào quyết định cơ hội nghề nghiệp và các lợi thế cho SV Việt Nam ở đâu…?

Càng lo lắng hơn tại Hội thảo khi nghe Ông Phạm Minh Tuấn-Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Tân Hiệp Phát cho biết:“Từ đầu năm 2013 đến nay, tôi đã tiếp khoảng 2.500 SV từ các Trường CĐ, ĐH trên địa bàn TPHCM đến tham quan, tìm hiểu doanh nghiệp nhưng chưa có SV nào cho tôi biết mục tiêu nghề nghiệp của mình là gì, kế hoạch nghề nghiệp ra sao ? Kết quả phỏng vấn chỉ đạt khoảng 6,6% (cứ 15 SV dự phỏng vấn có 1 SV đạt) và trong đó có đến 90% không trả lời được tại sao lại chọn xin việc tại công ty mà SV chỉ muốn công ty có việc làm gì để họ vào làm việc”

Bà Trương Tứ Muối, Giám đốc Trung tâm Tư vấn dịch vụ phát triển kinh tế Chợ Lớn, cho biết SV tốt nghiệp ngoại ngữ thiếu kỹ năng, nhưng có SV có đủ các kỹ năng nghe, nói, đọc, viếtlại thiếu kiến thức về văn hóa- xã hội như danh lam, thắng cảnh Việt Nam, lịch sử Việt Nam. ..

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, cho biết theo số liệu thống kê của Trung tâm là mặc dù nhu cầu tuyển dụng có giảm nhưng cái chính là SV không thuyết phục được nhà tuyển dụng, thiếu kỹ năng thực tế kể cả kỹ năng sống.

TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác SV ĐH Quốc gia TP HCM, cho rằng hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa là xu thế tất yếu. Do đó ngoài các hoạt động hỗ trợ từ phía nhà trường thì từng cá nhân SV phải không ngừng rèn luyện, tự học, tự chịu trách nhiệm để trang bị cho mình các kỹ năng cần thiết của thị trường lao động, luôn nâng cao tinh thần kỷ luật, tập làm quen với tác phong của người lao động chất lượng cao.

TS Nguyễn Đức Nghĩa- Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM khẳng định tại hội thảo: “Để SV tốt nghiệp, cạnh trạnh thị trường lao động và không bị lép vế ngay trên sân nhà thì SV tốt nghiệp ĐH có chuẩn đầu ra ít nhất phải tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực như Thái Lan, Singapore... Để đạt được thì chuẩn đầu ra phải nâng chất lượng chương trình, đội ngũ giảng viên và điều kiện thực hành”.

Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Tân Hiệp Phát - Ông Phạm Minh Tuấn (đứng) đang phát biểutại hội thảo.

Đại biểu đại diện Trường ĐH Lạc Hồng tại Hội thảo – ThS Trần Dũng, Giám đốc Trung tâm QHDN & HTSV

chụp hình lưu niệm với TS Nguyễn Đức Nghĩa- Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM

Thư gởi các bạn SV !

Thân gởi các bạn SV đang theo học tại Trường ĐH Lạc Hồng !

Với vai trò và chức năng của Trung tâm là đơn vị thường xuyên tiếp xúc với các lãnh đạo phụ trách tuyển dụng tại Doanh nghiệp cũng như việc tổng hợp các ý kiến từ những buổi hội thảo liên quan đến cơ hội, thách thức về nghề nghiệp trong thời gian vừa qua, chúng tôi muốn gởi vài lời chia sẽ tới tập thể SV đang theo học tại trường như sau:

Thách thức về nghề nghiệp:Trong tương lai gần, việc cạnh tranh về cơ hội nghề nghiệp là rất lớn. SV ra trường trong thời kỳ vừa là hội nhập sâu, vừa là thời kỳ khắc phục khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vì vậy cơ hội nghề nghiệp của SV không chỉ cạnh tranh với các SV trong nước mà còn đối đầu với những SV đến từ các nước trong khu vực ASEAN. Vì khi đất nước đã thật sự hội nhập thì các SV nước ngoài sẽ có quyền đăng ký tìm việc làm tại các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.Điều này buộc các bạn phải cố gắng trao dồi ngoại ngữ, rèn luyện tác phong mang tính chuyên nghiệp, sẵn sàng lập kế hoạch cho bản thân dựa trên năng lực, sở trường và sở thích của mình.Nếu cần các bạn cứ trao đổi với chúng tôi để các bạn có suy nghĩ, kế hoạch hành động phù hợp cho chính bản thân.

Lời khuyên cho các bạn SV:

  1. Mặc dù phía lãnh đạo trường đã xây dựng đề án ngoại ngữ nâng cao chất lượng dạy và học như giảm s số của mỗi lớp, mời giảng viên có kinh nghiệm…nhưng thành công của đề án còn phụ thuộc vào sự nỗ lực, động cơ học tập của các bạn và tâm huyết giảng dạy của Thầy Cô giáo. Không sử dụng được ngoại ngữ con đường cơ hội việc làm ngày càng nhỏ.

  2. Tích lũy các kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp… thông qua công tác Đoàn, Hội. Tích cực tham gia các chương trình, cuộc thi do Khoa, do lớp tổ chức. Nhiệt tình tham gia phát biểu, góp ý kiến trong buổi họp và sinh hoạt ngoài giờ, hãy tham gia ngay từ năm thứ nhất.

  3. Nếu là SV thuộc các nhóm ngành kinh tế cần phải giành thời gian cho các bản tin kinh tế và thị trường.Nếu là SV thuộc nhóm ngành ngôn ngữ phải cố gắng tích lũy về văn hóa và lịch sử. Còn SV thuộc nhóm ngành kỹ thuật phải tận dụng thời gian tại các phòng thí nghiệm, tham gia các dự án kỹ thuật đang triển khai của Thầy Cô…Tuy nhiên vấn đề chung không kém quan trọng cho các SV là nên tích lũy kiến thức về văn hóa, con người và lịch sử của Đất nước.

  4. Các bạn SV phải biết làm quen với cách thiết lập các mối quan hệ như bạn bè, anh em…sẽ có được nhiều bài học và nhiều cơ hội cho tương lai.

  5. Mỗi SV thành công và trưởng thành ngoài xã hội không chỉ lợi ích cho bản thân mà tạo thêm uy tín cho gia đình, bạn bè, Thầy Cô và ngôi trường mình được đào tạo. Hãy lấy đó làm động cơ cho học tập.

Chúc các bạn thành công trong học tập và cuộc sống.

ThS Trần Dũng - GĐ TT QHDN&HTSV

hội thảo, việc làm, nghề nghiệp


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        3,003,256       1/610