Từ ngày 19 đến 21/12, Đại học Lạc Hồng (LHU) đã tham gia Diễn đàn Giáo dục Khởi nghiệp các nước Lan Thương-Mekong 2024, diễn ra tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc. Đây là sự kiện quốc tế quan trọng, quy tụ đại diện các trường đại học, tổ chức giáo dục, doanh nghiệp và dự án khởi nghiệp từ các quốc gia trong khu vực.Với tư cách là thành viên chính thức của LMCEEA, LHU đã cử hai đại diện tham dự diễn đàn lần này gồm NGƯT. TS. Nguyễn Thị Thu Lan, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, và TS. Nguyễn Trọng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Ứng dụng.
Liên minh Giáo dục Khởi nghiệp các quốc gia vùng Lan Thương - Mekong (LMCEEA), được thành lập bởi Trung Quốc và các trường đại học, doanh nghiệp từ năm quốc gia: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ khu vực. Vào 3/6/2024, Đại học Lạc Hồng đã chính thức trở thành thành viên của Liên minh và đồng thời LHU cũng được Liên minh tin tưởng chọn làm Điểm liên lạc tại Việt Nam.
NGUT.TS Nguyễn Thị Thu Lan (góc phải) chụp hình lưu niệm cùng Lãnh đạo đến từ các trường đại học, tổ chức giáo dục, doanh nghiệp và dự án khởi nghiệp từ các quốc gia trong khu vực
Diễn đàn năm nay, với chủ đề "Xây dựng giấc mơ Lancang-Mekong, kiến tạo tương lai", tập trung thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và mở rộng hợp tác giáo dục xuyên biên giới. Tại sự kiện, TS. Nguyễn Trọng Anh đã trình bày về tình hình khởi nghiệp tại Việt Nam và những đóng góp nổi bật của Đại học Lạc Hồng trong lĩnh vực này. Bài phát biểu của ông nhấn mạnh vai trò của chính phủ Việt Nam với các chính sách hỗ trợ như Đề án 1665 - Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025, cùng sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo với hơn 3.800 doanh nghiệp, trong đó có các công ty kỳ lân như VNG, Momo, Sky Mavis.
TS. Nguyễn Trọng Anh phát biểu tại Diễn đàn
Theo TS. Nguyễn Trọng Anh, Đại học Lạc Hồng đã nỗ lực xây dựng một môi trường khởi nghiệp toàn diện. Nhà trường thành lập Ban Cố vấn và CLB Khởi nghiệp, đầu tư không gian làm việc chung (Co-Working Space) và hệ thống phòng thí nghiệm chuyên đề, hỗ trợ tài chính và đào tạo cho giảng viên, sinh viên. Những nỗ lực này đã mang lại thành tựu đáng khích lệ. Điển hình là các dự án khởi nghiệp như Xe lăn điện Automov lọt Top 10 Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia năm 2021, hay dự án Chôm chôm rang sấy giành giải Khuyến khích Cuộc thi Học sinh, Sinh viên Khởi nghiệp năm 2023.
Bên cạnh đó, các sản phẩm nghiên cứu khoa học như SolarCleanbot (Robot lau pin mặt trời), máy rung cấp phôi, và các sản phẩm từ Đông trùng hạ thảo không chỉ được thương mại hóa thành công mà còn mở ra những cơ hội hợp tác mới với doanh nghiệp. NGƯT. TS. Nguyễn Thị Thu Lan cho biết: “Tinh thần khởi nghiệp tại Lạc Hồng không chỉ dừng lại ở các cuộc thi mà còn hiện diện trong từng sản phẩm nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn, khẳng định vai trò tiên phong của nhà trường.”
Diễn đàn lần này được xem là cơ hội để Đại học Lạc Hồng mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác và tiếp tục củng cố vị thế trong hệ sinh thái khởi nghiệp khu vực.
Sự tham gia của Đại học Lạc Hồng tại Diễn đàn Giáo dục Khởi nghiệp Lancang-Mekong 2024 một lần nữa khẳng định cam kết của nhà trường trong việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của khu vực Lancang-Mekong.
Diễn đàn Giáo dục Khởi nghiệp Lan Thương-Mekong 2024, Quan hệ quốc tế, Hợp tác quốc tế