Kiến thức y tế học đường

Sinh viên đang học  »  Kiến thức y tế học đường


Xử trí đúng khi bị bong gân khớp cổ chân

Bong gân khớp cổ chân gặp ở mọi lứa tuổi, với mức độ tổn thương từ nhẹ đến nặng.

Phần lớn các trường hợp bong gân khớp mức độ nặng và vừa, nếu đến cơ sở y tế muộn, hoặc chữa theo cách mách bảo sẽ dẫn đến tình trạng bong gân mạn tính, ảnh hưởng rất lớn đến lao động, sinh hoạt và chất lượng cuộc sống.

Là chấn thương thường gặp

Bong gân khớp cổ chân là tình trạng các dây chằng xung quang khớp cổ chân bị giãn quá mức, dẫn đến rách một phần hoặc toàn bộ dây chằng dưới tác động của lực chấn thương. Bong gân khớp cổ chân gặp ở mọi lứa tuổi, với mức độ tổn thương từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc mức độ tổn thương dây chằng. Nhưng hầu hết bong gân khớp cổ chân xảy ra ở hệ thống dây chằng bên ngoài, nằm ngoài khớp.

Bong gân khớp cổ chân là một chấn thương thường gặp, cổ chân bị xoắn vặn đột ngột, gặp trong các tình huống chấn thương như đi bộ hoặc tập thể dục trên nền đất mấp mô, ngã cao bàn chân tiếp đất. Đối với người hay chơi thể thao, chạy bộ đường dài, chơi bóng rổ, quần vợt, bóng đá... thường gặp ở động tác cắt hoặc lăn và xoắn chân. Ngoài ra, bong gân khớp cổ chân còn gặp ở tai nạn giao thông...

Thông thường các trường hợp bong gân khớp mức độ nặng và vừa, nếu người bệnh đến viện muộn, hoặc điều trị không đúng như làm theo mách bảo, tự chữa theo dân gian sẽ dẫn đến tình trạng sưng đau dai dẳng khớp cổ chân, khớp lỏng, dễ chấn thương tái phát, ảnh hưởng rất lớn đến lao động, sinh hoạt và chất lượng cuộc sống.

Bong gân khớp cổ chân ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể tự điều trị, tự chăm sóc tại nhà bằng cách chườm đá, nghỉ ngơi, hạn chế đi lại. Tuy nhiên, nếu bong gân khớp cổ chân ở mức độ vừa và nặng thì bắt buộc phải đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời.

Khi bị bong gân, dùng băng thun băng ép giúp cố định khớp.

Khi bị bong gân, dùng băng thun băng ép giúp cố định khớp.

Nhận biết các mức độ bong gân

Một số dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của bong gân có thể nhận thấy bao gồm: sưng; khớp lỏng lẻo; bầm tím vùng khớp chấn thương; khớp chấn thương giảm chịu lực; da đổi màu; khớp căng cứng.

Khi bị bong gân khớp cổ chân thường đau tăng lên khi đi lại, lúc sau thì sưng và bầm tím. Người bệnh cảm thấy đau nhói như điện giật ở vùng khớp bị trẹo, sau đó khớp tê dại không còn đau nữa rồi sau đó cảm giác đau nhức dần dần trở lại.

Bong gân được phân thành các cấp độ.

Bong gân nhẹ: Dây chằng bị giãn nhưng không rách hoặc đứt.

Bong gân vừa: Một phần hoặc một chùm dây chằng bị rách.

Bong gân nặng: Dây chằng của một khớp bị đứt.

Trên thực tế, nhiều người khi bị bong gân khớp cổ chân thường chủ quan với chấn thương này. Với quan niệm cho rằng bong gân không quan trọng nên tự điều trị bằng cách xoa dầu, chườm nóng, dùng rượu xoa bóp... sẽ khỏi. Đây là những sai lầm nghiêm trọng vì tổn thương dây chằng nghiêm cấm dùng các chất nóng tác động tại chỗ do những chất này gây chảy máu mạnh hơn trong khi tổn thương này cần dùng các thuốc gây lạnh và làm giảm đau tại chỗ.

Phần lớn bong gân khớp cổ chân, nếu được điều trị đúng, kết quả tốt, khớp cổ chân trở lại cơ năng bình thường. Tập luyện sau khi bó bột đóng vai trò quan trọng trong phục hồi chức năng.  Nhưng nếu bị bong gân một lần, các dây chằng không được phục hồi thì sẽ xảy ra bong gân tái diễn. Đau kéo dài trên 4-6 tuần thì gọi là bong gân mạn tính, ảnh hưởng rất lớn đến lao động, sinh hoạt và chất lượng cuộc sống.

Chườm đá tại vị trí sưng nề  mỗi ngày 3-4 lần để điều trị bong gân.

Chườm đá tại vị trí sưng nề  mỗi ngày 3-4 lần để điều trị bong gân.

Cần xử trí đúng

Thông thường, đa số trường hợp bong gân cổ chân không cần phẫu thuật, kể cả bong gân mức độ nặng.

Đối với bong gân mức độ nhẹ, bệnh nhân có thể tự điều trị tại nhà bằng các cách sau càng sớm càng tốt: Người bệnh cần nghỉ ngơi, không đi lại trên chân bị chấn thương. Chườm đá tại vị trí sưng nề, mỗi lần chườm 20-30 phút, mỗi ngày chườm 3-4 lần. Không đặt đá trực tiếp lên da mà túi đá chườm qua lớp vải khăn. Không được chườm nóng sẽ làm khớp sưng to hơn và rất lâu mới xẹp. Tuyệt đối không xoa bóp bất kỳ thứ gì dù là mật gấu, chườm lá, bóp muối...

Băng ép bằng cách dùng băng thun nhẹ nhàng, không ép quá cũng không lỏng quá. Kê cao chi bằng cách nằm gác chân lên gối ôm khoảng 10cm là vừa, nếu ngồi thì chân kê cao ngang hông (khung chậu). Mục đích không để máu dồn xuống chân làm sưng chân.

Đối với những trường hợp bong gân mức độ vừa và nặng với các biểu hiện khớp cổ chân sưng nề nhiều, mất vững, mất vận động... ngoài việc chườm đá, kê cao chân, còn phải bất động... và nhờ người đưa tới cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị. Ngoài ra, các trường hợp bong gân nhẹ nhưng bị sốt hoặc không đỡ sau 2 ngày cũng cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị.       

(Theo BS. Nguyễn Văn Sơn - suckhoedoisong.vn)


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  923,828       1/706